PDA

View Full Version : Nông sản oằn lưng cõng phí


utes
02-10-2012, 02:22 PM
Qua nhiều khâu trung gian, 4 - 5 loại phí không chính thức, 3 phí kiểm dịch khiến giá một quả trứng từ trại nuôi tới chợ lẻ bị đẩy giá lên gấp đôi.

Phí "dí" trứngThị trấn Châu Thành (Châu Thành, Sóc Trăng) có gần một chục cơ sở mua bán trứng gia cầm, thủy cầm các loại với quy mô tương đối lớn. Theo chủ các cơ sở kinh doanh trứng ở đây, chỉ riêng kiểm dịch, một quả trứng phải chịu 3 đầu phí. Phí kiểm dịch lần thứ nhất là khi thương lái chuyển số trứng về cơ sở với giá 4,5 đồng/quả. Sau khi phân loại, đóng thành cây (1 cây 300 quả trứng) để xuất đi TP.HCM, phải đóng phí kiểm dịch lần 2. Nhập vào TP.HCM phải đóng phí thêm lần thứ 3 mới có thể tiêu thụ được. Với 3 lần đóng, tổng chi phí kiểm dịch một quả trứng phải gánh là 13,5 đồng.

Từ giữa năm 2011, phí kiểm dịch một quả trứng đã tăng từ 2 đồng lên 5 đồng, đầu năm nay, giảm xuống còn 4,5 đồng. Ông Lý Nguyên Thuận, chủ cơ sở Nam Thành Lợi, nói: Nếu nhìn mức tăng 3 đồng/mỗi quả trứng thì không có gì đáng kể nhưng nếu tính theo tỷ lệ phần trăm thì phí đã tăng tới gần 150% khiến giá trứng bị đội lên cao. Như cơ cở Nam Thành Lợi, trung bình mỗi ngày xuất đi TP.HCM từ 60.000 - 80.000 quả trứng, tổng chi phí kiểm dịch của cả 3 lần lên đến từ 30 - 36 triệu đồng/tháng.

http://www.thanhnien.com.vn/Pictures20127/Nam/10/trung.jpg
Nhiều khâu trung gian, chi phí sản xuất cao cộng với phí chồng lên phí đã làm cho trứng cũng như nhiều hàng nông sản khác đội giá mạnh khi đến tay người tiêu dùng
- Ảnh: Chí Nhân - Đồ họa: Hồng Sơn
Nhưng đây mới chỉ là những loại phí chính thức, các loại phí không chính thức mà các chủ cơ sở buộc phải "tự nguyện" đóng còn nhiều hơn. Chủ một cơ sở đề nghị không nêu tên cho biết “khi đi thu mua trứng ở một địa bàn lạ thì anh phải chi 200.000 đồng để việc kiểm dịch được nhanh chóng và thuận lợi hoặc phải “biết điều” để được đi nhanh khi qua các trạm phúc kiểm ở các tỉnh”.

Theo một xe tải chuyển trứng từ Sóc Trăng đi TP.HCM, chúng tôi phải ghé 3 trạm ở các tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ và Vĩnh Long để thực hiện việc phúc kiểm. Công tác phúc kiểm trên thực tế chỉ là việc người phụ xe mang giấy kiểm dịch vào trạm để cán bộ ngành thú y trực ký tên, đóng dấu và ghi ngày tháng. Tùy theo trạm mà người phụ xe sẽ kèm theo giấy kiểm dịch 20.000 đồng hoặc 50.000 đồng để “bồi dưỡng” cho cán bộ trực đêm uống cà phê.

“Thấy vậy đó, chứ anh không trốn được đâu vì nếu chỉ thiếu một con dấu thì trứng của anh có lên thành phố cũng không tiêu thụ được”, tài xế nói. Trước đây thỉnh thoảng có trạm thực hiện phun thuốc tiêu độc sát trùng thì họ lấy thêm phí là 40.000 đồng/xe. Tài xế cho biết trước kia phải qua 5 trạm phúc kiểm nhưng từ khi có đường cao tốc Trung Lương - TP.HCM, do đăng ký với ngành thú y đi đường này nên đã bỏ qua được 2 trạm kiểm dịch của tỉnh Tiền Giang và Long An. Tất nhiên, các loại phí phi chính thức này đều được cộng vào giá thành.

Chủ một cơ sở kinh doanh trứng bức xúc, từ Châu Thành (Sóc Trăng) đi TP.HCM chỉ hơn 200 km mà phải phúc kiểm 5 lần hay ít nhất cũng là 3 lần là quá nhiều, gây mất thời gian, tốn chi phí. Hơn nữa, công tác phúc kiểm chỉ là thủ tục hành chính mang tính hình thức mà không mang hiệu quả thực sự.

Nhiều chủ cơ sở ngành trứng cho rằng phí kiểm dịch không chỉ cao, chồng chéo nhiều lần mà còn mang tính hình thức vì thực tế việc kiểm dịch hầu như được thực hiện trên giấy tờ hoặc bằng mắt thường của cán bộ ngành thú y.

Lòng vòng... trung gian



Gánh hàng chục loại phí cả chính thức và phi chính thức, giá trứng còn bị đẩy lên bởi 4- 5 khâu trung gian khi đi từ người chăn nuôi đến tay người tiêu dùng.

Ông Lưu Văn Quang ở huyện Châu Thành (Sóc Trăng) cho biết từ đầu năm đến nay, giá trứng giảm mạnh, khoảng 400 đồng/trứng, hiện còn khoảng 1.500 đồng/trứng. Ông Quang thường bán trứng cho anh Nguyễn Văn Thuấn, một thương lái chuyên thu gom trứng từ các hộ chăn nuôi bán lại cho các cơ sở thu mua và hưởng chênh lệch giá 50 đồng/quả.

Như vậy, giá trứng tới các cơ sở là 1.550 đồng/quả. Chủ cơ sở Nam Thành Lợi, ông Lý Nguyên Thuận, kể tiếp từ khi mua về cho đến khi xuất bán, trứng sẽ tốn thêm 70- 100 đồng/quả khi cộng các loại phí kiểm dịch, phí vận chuyển, phí nhân công… Giá trứng đến tay các đại lý cấp 1 ở TP.HCM lúc này lên khoảng 1.700 đồng/quả.

Đại lý cấp 1 dùng xe tải nhỏ để đưa trứng đi giao cho các đại lý cấp 2 với mức giá khoảng 1.900 đồng/quả, tùy theo số lượng đơn hàng và vị trí xa gần. Đại lý cấp 2 đóng vỉ 6 hoặc 10 trứng rồi đem phân phối lại cho các đại lý cấp 3 với giá khoảng 2.200 đồng/quả. Các đại lý cấp 3, nơi chuyên bán sỉ và lẻ tiếp tục đẩy giá trứng lên thêm 200 - 300 đồng/quả khi bán cho đại lý bán sỉ với giá 2.400 - 2.500 đồng/quả. Giá đến tay người tiêu dùng hiện nay giao động từ 28.000 - 29.000 đồng/hộp 10 trứng. Như vậy, từ người chăn nuôi tới tay người tiêu dùng, giá trứng đã được đẩy lên gần gấp đôi.

Ai được lợi?

Trao đổi với chúng tôi, từ chủ các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ tới các doanh nghiệp quy mô đều than rằng điều kiện kinh doanh hiện rất khó khăn. Nếu chỉ nhìn vào giá đầu vào và đầu ra của sản phẩm thì rõ ràng là người kinh doanh lãi lớn. Nhưng thực tế rất nhiều cơ sở bị lỗ vì chi phí nhân công, điện, nước, xăng dầu, lãi vay ngân hàng... hiện đang ở mức cao.

Ông Trương Chí Thăm, Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt có quy mô khá lớn ở thị trấn Châu Thành (Sóc Trăng), cho biết hiện trứng vịt giảm tới 30% sản lượng và 20% về giá so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều cơ sở kinh doanh ở đây chỉ hoạt động cầm chừng không còn sôi động như trước. Giá trứng trên thị trường giảm do sức mua yếu, không chỉ nông dân chăn nuôi không có lời mà các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Ở các tỉnh miền Tây vốn phát triển mạnh nghề nuôi vịt đẻ nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi là chăn thả từ cánh đồng này sang cánh đồng khác. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người đã bỏ nghề.

Giá trứng bị đẩy lên gấp đôi, người tiêu dùng phải mua với giá cao nhưng tất cả người nuôi, người kinh doanh đều than thua lỗ. Nghịch lý này xảy ra với nhiều loại nông sản khác.

Theo Chí Nhân
Thanh niên

tanlienthuan
02-10-2012, 02:22 PM
Giá đầu ra giảm trong khi giá đầu vào vẫn cao, đặc biệt là gánh nặng phí khiến nhiều người chăn nuôi đứng trước cảnh phải “treo chuồng”.

Phí bao vây đàn heo

Huyện Thống Nhất (Đồng Nai) là nơi được xem là “vương quốc nuôi heo” với số lượng khoảng 200.000 con, lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, người chăn nuôi ở đây đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó việc phải nộp quá nhiều loại phí.

Bà Ngô Thị Lạch (H.Thống Nhất) nuôi hơn 4.000 con heo thịt than vãn: Trước đây, mỗi năm gia đình bà xuất chuồng 2 đợt, sau khi trang trải tiền cám, thuốc men, phí, thuế... bà còn có lãi chút đỉnh. Hiện nay giá heo hơi chỉ từ 38.000 - 39.000 đồng/kg, nhưng phải nộp rất nhiều loại phí như tiêm phòng, chống dịch, tiêm phòng vắc xin tai xanh, phí kiểm tra lâm sàng, phí kiểm soát giết mổ, phí vệ sinh tiêu độc... nên chi phí rất cao, càng nuôi, càng lỗ. "Bình quân một con heo từ khi còn con giống khoảng 3 - 5 kg đến khi xuất chuồng, các loại phí chiếm tới 1/4 chi phí nuôi. Đây cũng là lý do mà nhiều người chăn nuôi giết mổ trái phép để "né" 3 loại phí kiểm dịch, vệ sinh và vận chuyển", bà Lạch nói.

Theo báo cáo về phí và lệ phí của Chi cục Thú y Đồng Nai, từ khi còn con giống cho đến khi xuất bán ra thị trường, người chăn nuôi phải chịu phí kiểm dịch 1.000 đồng/con; phí kiểm soát giết mổ từ 6.500 - 7.000 đồng/con; phí tiêu độc, sát trùng phương tiện là 40.000 đồng/phương tiện (phương tiện vận chuyển 40 con trở lên); lệ phí mẫu cho heo xuất tỉnh là 30.000 đồng/chuyến (trường hợp vận chuyển nội tỉnh thì 5.000 đồng/chuyến); phí thuốc sát trùng 2.000 đồng/chuyến; phí chì niêm phong 1.500 đồng/chuyến. Trong trường hợp giết mổ tập trung, phí gia công giết mổ 44.000 đồng/con.

Anh Phạm Anh Duy (xã Gia Tân 1, H.Thống Nhất) nuôi khoảng 20.000 con heo thịt ngao ngán cho biết, phí thì nhiều nhưng giá bán tại trại chỉ khoảng 37.000 - 38.000 đồng/kg là lý do nhiều người chăn nuôi hiện nay đang nghĩ tới hướng giảm đàn để cầm cự.

http://www.thanhnien.com.vn/Pictures20127/Thang/nuoiheo.jpg
Cơ sở chăn nuôi heo của anh Phạm Anh Duy (tại xã Gia Tân 1, H.Thống Nhất). Ảnh: K.C - L.L

Nuôi gà cũng khổ
Không chỉ người nuôi heo, những người chăn nuôi gia cầm tại 2 huyện Thống Nhất, Vĩnh Cửu (Đồng Nai) cũng bức xúc trước tình trạng phí chồng phí.

Ông Nguyễn Ngọc Hiệp (H.Thống Nhất) cho biết, bình quân mỗi con gà, vịt từ khi đang trong trứng, cho tới lúc hình thành con giống và xuất bán, phải chịu nhiều loại phí chồng chất. Cụ thể, khi còn là trứng để gầy giống phải đóng phí kiểm dịch trứng; ấp nở thành con thì chịu phí kiểm dịch con giống, phí tiêm ngừa vắc xin, tiêu độc khử trùng chuồng trại. Khi con giống lớn, để bán còn phải chịu phí xét nghiệm huyết thanh, phí vận chuyển, phí giết mổ...

Bà Ngô Thị Lý (H.Vĩnh Cửu) bức xúc: Giá bán gà tại trại bình quân khoảng 34.000 đồng/kg nhưng các loại phí chiếm tới 6.000 - 7.000 đồng/con. Nếu trừ hết chi phí đầu tư, trong bối cảnh các loại thức ăn, điện nước, tiền thuê đất, thuế... cao như hiện nay, người chăn nuôi huề vốn được là giỏi, còn không thì lỗ nặng.

Về mức thu phí đối với gia cầm, ông Thân Văn Cẩn, Trưởng phòng Kiểm dịch (Chi cục Thú y Đồng Nai) cho biết, đối với người nuôi gà tại Đồng Nai, khi còn con giống chịu phí kiểm dịch 100 đồng/con; phí vận chuyển 100 đồng/con; phí giết mổ 200 đồng/con; phí tiêu độc khử trùng 40.000 đồng/phương tiện; phí kẹp chì 1.500 đồng/chuyến; phí thuốc sát trùng 2.000 đồng/chuyến; lệ phí mẫu xuất ngoại tỉnh là 30.000 đồng/chuyến.

Không chỉ bị bao vây bởi các loại phí chính thức nói trên, cũng như các loại nông sản khác, heo - gà còn bị hành bởi các loại phí “vô hình” khác. Một thương lái chuyên thu gom heo từ Đồng Nai về TP.HCM cho biết: "Đối với các xe kiểm dịch, khi xuất tỉnh, dù có đủ điều kiện thì cũng phải có chi phí lót tay. Nếu không, thương lái bị gây khó dễ đủ điều. Các loại phí này tuy vô hình nhưng không có thì rất khó". Chủ một trại gà (xin được giấu tên) cho biết: "Những trại nuôi nhỏ lẻ như chúng tôi nếu không nộp các loại phí vô hình thì rất khó được cấp giấy tờ hợp pháp để xuất bán. Nếu bị làm khó ở các khâu chuồng trại, vệ sinh, tiêm phòng... thì hàng phải nằm lại, dẫn đến lỗ nặng. Nên không thể nào không đóng".

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết, vài ngày nữa hiệp hội sẽ có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị rà soát lại các loại phí trong chăn nuôi. “Việc nộp phí là cần thiết, nhưng tại sao từ bán con giống đến khi giết mổ lại nhiều loại phí thế? Do đó lần này chúng tôi kiến nghị Bộ cần rà soát, xem xét các bất cập về phí, rút gọn lại cho người chăn nuôi bớt khó khăn”, ông Công nói.


Kim Cương - Lê Lâm