Cao ngựa thì chỉ nấu ngựa trắng, mõm đỏ, mí mắt đỏ thôi .
Ngựa trắng có đốm hay mõm và mi mắt không đỏ thì không nấu
cao được.
*
Ngày tôi lên chợ Rã mua ngựa, thì luôn luôn có 2 con ngựa
trắng thả rông ở đó. Trông tướng tá thì cũng được 7 điểm,
còn vóc dáng thì chỉ được 5-6 thôi, vì cao chưa được 12 nắm.
Hỏi dò nhân dân thì được biết mỗi con giá 1 nghìn đồng, trong
khi con to đẹp nhất cả huyện chỉ có 7 trăm, còn ngựa cái đẹp
nhất chỉ có 6 trăm. Cuối cùng tôi mua 2 con ngựa cái, mỗi con
4 trăm rưởi đồng. Mang về đến nhà, luyện xong, bán được trung
bình mỗi con 1 nghìn đồng. Chi phí các khoản 1 trăm rưởi, nên
tiền công thường gọi nhầm là tiền lời được 4 trăm đồng, so với
cứ ở nhà đánh xe ngựa thì hơi lỗ một chút.
*
Lên Ngân Sơn, tôi mua một con ngựa cái trắng cao 12 nắm rưỡi,
tướng tá 8 điểm, vì nó nhanh, nhưng lép, nhìn ngang thì đẹp,
nhưng nhìn dọc thì mỏng tang. Thật ra nó hơi ngả vàng, và mõm
và mí mắt thì loang như giống lợn Móng Cái. Mới đem về gần đến
nhà, thì đã có người nài mua với giá 1 nghìn 2, lời 1 trăm đồng
nên tôi bán ngay, lấy tiền làm chuyến tiếp, vì đã thấy một con
khác hay hơn rồi. Nghe bà con bàn tán, con này ngựa bạch, nấu
cao được, giá rất cao, nhưng tôi cứ như không nghe thấy. Sau
này mấy tháng, có dịp đi ngang qua nơi ấy, vẫn có thể thấy con
ngựa tôi bán đang kéo xe, chẳng bán được giá cao để nấu cao.
*
Nghe chuyện nấu cao thì biết vậy, chứ tôi chẳng dám bỏ tiền
ra mua giá cao rồi để ngựa đó mà ngắm.
*
À, bàn thêm về chọn ngựa:
*
Người ta biết coi răng tính tuổi, nhưng tôi không biết. Tôi
chỉ đoán Ngựa non Ngựa già thôi, và sai số khá lớn. Ngựa non
thì cổ không có vết, còn đang lớn được, dưới 5 tuổi. Sau đó
thì cổ lõm xuống một vệt thẳng kéo dài từ mang tai đến ức.
Vết lõm đó càng ngày càng sâu xuống và dưới vệt lõm đó là
ống ăn và ống thở của ngựa. Trên 10 tuổi thì ngựa bắt đầu yếu
đi, tương đương với ở người là trên 30 tuổi, không còn xuân
nữa. Lúc đó cả vùng thịt dưới vết lõm đó trở nên bùng nhùng,
mà ở một số bò, ta gọi là yếm. Vậy, khi mua ngựa, bạn phải coi
vùng bùng nhùng dưới vệt chéo ở cổ nhé. Nói với người bán rằng
ngựa của ông không còn trẻ nữa đâu, bán rẻ đi.
*
Ngựa bình thường, thì u vai là cao nhất, và u hông cũng cao
bằng như thế . Khi đóng cũi nhốt ngựa, khác với cũi trâu bò,
có thể đóng vừa khít chiều ngang bụng, thêm 20 centimét nữa,
vừa khít chiều dài ngựa từ ngực đến mông, thêm 50 centimet
nữa, và chiều cao ngựa từ đất đến u vai, trừ bớt 5 centimet
nữa. Có thể thêm chiều cao và chiều dài cũi, nhưng không nên
thêm chiều cao thanh chắn trước ngực, vì thanh đó cao hơn
chiều cao vai ngựa, thì nó đi qua được. Khi ngựa chui qua
thanh chắn trước mặt, nó cảm thấy u vai (có lông bờm đến đó
là hết, và rất ngắn) chạm vào thanh gỗ chắn thì nó đứng lại.
Nó chỉ cân rùn chân trước một chút là qua được, nhưng phải
có người huấn luyện mới biết cái trò ma mãnh này. Ngựa thường
thì không thể nào chui qua được thanh gỗ thấp hơn vai nó dù
chỉ 1 centimet. Mình phải làm thấp hơn 5 centimet để phòng
nó cố tình chui qua thanh thấp hơn 1 centimet, thì sợt da vai
và chảy máu. U hông thì cũng cao bằng u vai, nhưng chân sau
nó có thể lùn xuống được dễ dàng để chui qua cổng thấp. Có
những con u hông cao hơn u vai 1-2 centimet thì cũng bình
thường, nhưng u hông thấp hơn u vai thì đừng mua. Đó là
ngựa có dáng không bình thường . Cũng phải coi từ hõm vai
cho đến u hông có thẳng không. Nếu đó là đường thẳng kẻ chỉ
hay hơi võng xuống thì là ngựa tốt, nhưng nếu hơi vồng lên
thì mua về nấu cháo bưng thuốc cho nó thôi . Chọn trâu bò
cũng vậy . Người nào cởi trần mà thấy xương sống nổi lên
thì cũng không lao động nặng được, đàn ông kém sinh dục, đàn
bà khó chửa đẻ. Ngựa đang sung sức, thì nhìn trên lưng xuống
thấy hơi lõm . Ngựa già và ngựa chủ không cho ăn, chỉ bắt làm
thì hơi gồ xương sống lên. Bạn có thể vỗ mạnh lên lưng ngựa,
đừng vỗ vào xương sống nó, vì chủ sẽ tức giận, để khám bắp
thăn của nó có dày không . Nếu đau tay, thì đừng mua, vì bắp
thăn mỏng quá. Nếu thấy mềm lún tay, thì bắp thăn rất dày,
và khi cưỡi nó bước lên dốc, sẽ cảm thấy bắp thăn gồng lên
dưới đít và đùi mình. Tôi không biết cưỡi ngựa, nên không
bao giờ mua yên ngựa cả, nên cảm giác được các bắp thịt ngựa
khi cưỡi nó.
*
Cũng nên chọn ngựa đuôi dài và dày. Nước ta có nhiều ruồi
muỗi lắm, nên ngựa cần có đuôi thật tốt để đuổi ruồi muỗi .
Thường thì lông đuôi ngựa từ mông đến chạm đất, khi đuổi
ruồi thì quật đến tận ngực . Thế là ngựa vuông. Có một sô
hiếm thì ngựa cao hơn dài, đuôi quật quá ngực, cũng là ngựa
tốt. Một số ngựa lại là chữ nhật, vì chân ngắn quá, nên đuôi
quật không tới được ngực. Dù sao, ngựa chữ nhật cũng không
xấu, vì điểm chân ngắn cũng không dở lắm đâu . Nhiều con
chân ngắn nhưng các điểm khác tốt, thì trung bình cũng được
9 điểm về mọi mặt. Tôi cũng đã nói, không chọn ngựa bờm dày
và cổ dày, vì chậm, nên ngựa bờm đã mỏng, lại bị xén ngắn
đi, nên không rũ bờm đuổi muỗi được . Vì thế chuồng ngựa
phải có mành mành chắn ruồi muỗi. Chuồng ngựa phải rộng
gấp đôi cũi ngựa chiều dài, và gấp 3 cũi ngựa chiều rộng,
và không có thanh chắn ngang ngực, mà là cửa sổ có máng ngựa
trong nghề gọi là tàu ngựa.
*
Ngoài dáng thân thể, còn coi dáng đi nữa . Dáng đi đẹp nhất
là nhấc cao vó, để khi đặt móng xuống, đoạn thẳng đứng 5
centimet là đẹp . Ngựa thường thì đoạn đặt móng thẳng đứng
xuống đất chỉ 1 centimét thôi, hầu như không nhận thấy . Khi
ngựa kiệt sức, thì bị kéo rê móng, mòn mũi móng, và thường
thì vết móng sau không dẵm lên được vết móng trước . Tuy
có con đặt móng ít thẳng đứng mà vẫn là ngựa hay, nhưng dáng
đi nhấc cao vó và vỗ cao xuống đất cũng là một điểm thêm cho
ngựa.
*
Đó là nhìn ngang khi ngựa đi, và còn nhìn dọc nữa. Nói chung
ngựa đi 2 hàng: 2 chân bên trái thì đi hàng trái, 2 chân bên
phải thì đi hàng phải. Có con thì 2 hàng này rất gần nhau,
hầu như thành 1 hàng, nhưng có con thì 2 hàng này rất xa nhau.
Ngựa đi gần 1 hàng thì tốt hơn đi 2 hàng cách xa nhau. Ngựa
to thì chiều dày lớn, ngực và háng rộng, thì 2 hàng xa nhau,
nhưng nó cao, thì vẫn chụm móng lại, và đi gần thành 1 hàng.
*
Chuyện ngựa đực nhảy xong rồi chết thì cũng có. Ngành Y gọi
là phạm phòng, là cách nói chữ che dấu đi chuyện giao cấu .
Ngoài bắc thì nghèo (nói thật, chứ không có ý nói xấu đâu nhé,
vì tôi cũng là người bắc đây) nên bóc lột ngựa, bắt làm nặng,
làm nhiều, chỉ cho ăn cỏ, vì tiền mua cám thóc ngô đỗ đắt,
nên nó bình thường đã rất mỏi mệt rồi . Sau khi nhảy ngựa cái
(chủ rất sợ nó làm vậy, nhưng chẳng may lỡ ra không trông coi
xuể) thì chủ vẫn không cho nghỉ, thì dần dần ốm chết thôi .
Ai khá giả, cho ngựa nghỉ vài hôm mà nhà vẫn còn gạo ăn, thì
ngựa không chết. Ngựa tôi mua về, luyện xong, bán cho bạn trong
đoàn xe, làm được mấy tháng, thì nó trở thành ngựa ngơ ngẩn,
thả ra cũng đứng yên . Cuối cùng anh bạn tôi phải cho nó nghỉ
dần dần nó mới tỉnh lại . Trong lúc đó trong đoàn có người ốm
nên thuê anh ta đi làm thay vào chỗ đó, nên con ngựa mới thoát
chết vì lao lực. Tôi thương nó lắm, nhưng không thể giúp được .
Cả thị xã Hưng yên, ai cũng nghèo, cơm độn mì còn không có đủ
no, làm gì cho ngựa được nghỉ? Vậy thì đừng đổ cho chuyện nhảy
nữa nhé . Nhà giàu thì ngựa nhảy liền liền cũng chẳng chết được.
*