* Cũng như người dân Cà Mau, các hộ sống ven sông Tiền, sông Hậu vẫn thường xuyên đối mặt với sạt lở

Nhiều năm liền hàng chục ngàn hécta đất ở ĐBSCL bị cuốn trôi
Thắc thỏm từng con nước
Thông tin về mực nước lũ ở sông Tiền tăng với cường suất khá mạnh làm chính quyền các huyện đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp ăn ngủ không yên, bởi hơn 1.500 hộ dân có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Ông Nguyễn Văn Lịch - Phó chủ tịch UBND xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự - cho biết, trên địa bàn xã có vùng sạt lở nguy cấp kéo dài 6km, ảnh hưởng đến 500 hộ dân. Theo quy định, những hộ trong vành đai sạt lở cách bờ sông khoảng 30m phải di dời, nhưng hiện nay có hơn 50 hộ sống cách bờ từ 5 - 15m, việc bố trí di dời lập khu tái định cư ngoài khả năng của chính quyền địa phương. Tại xã Long Thuận có đến 400 hộ bị “thủy thần” truy đuổi ráo riết. Anh Trần Văn Tuấn đang loay hoay sửa nhà. Quay mặt ra bờ sông, anh chua xót: “Ba năm trước nhà tôi cách bờ gần trăm mét, thế mà nay đã sát rồi. Gia đình cũng định tìm chỗ mới nhưng biết đi đâu. Cả ngày lẫn đêm, vợ chồng tôi cứ thấp thỏm lo sợ bị nước nhấn chìm”. Đến nhà anh Đặng Văn Lần (ấp Long Thạnh, xã Long Thuận) lại gặp cảnh ảm đạm hơn. Mùa mưa lũ năm 2011, nhà anh bị nước cuốn trôi, được người dân địa phương giúp đỡ cất căn nhà phía sau để che mưa nắng cho vợ và hai đứa con. Vậy mà hiện nay sạt lở đã đuổi đến gần. Anh thú thật: “Lần này tôi chẳng biết sẽ đi đâu”.
Hiện tỉnh Đồng Tháp có hơn 100 điểm nóng sạt lở ở 17 xã, phường, thị trấn với chiều dài gần 17km. Trước tình trạng trên, ngày 16-8, UBND tỉnh quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp về sự cố sạt lở trên tuyến sông Tiền tại các xã Tân Bình, Tân Quới (huyện Thanh Bình), xã Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò), khu vực Vàm Cái Đôi (xã An Hiệp, huyện Châu Thành) và phường 4 thị xã Sa Đéc, tổng chiều dài 6km. Đến ngày 21-8, sạt lở đất bờ sông tại xã An Hiệp (huyện Châu Thành, Đồng Tháp) làm 3,4ha đất, nhiều diện tích cây trồng và bốn ao cá tra bột của người dân trôi theo nước, thiệt hại 2,6 tỷ đồng.
“Hà bá” nuốt hàng ngàn mét vuông đất
An Giang cũng cùng nỗi lo với Đồng Tháp. Theo Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh này, hàng năm tỉnh mất trên 3,7 triệu mét khối đất, thiệt hại hơn 16 tỷ đồng. Theo khảo sát mới nhất của cơ quan chức năng, hiện tỉnh có 53 vị trí sạt lở dọc sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao. Xã Vĩnh Hòa, huyện Tân Châu bị sạt lở 40ha. Sáng 27-5, một đoạn bờ sông Hậu (thuộc tổ 3, khóm Bình Thới 1, phường Bình Khánh, TP.Long Xuyên) tiếp tục sạt lở lan rộng và ăn sâu vào đất liền, làm 12 hộ dân phải di tản. Trước đó, lúc 5 giờ 30 ngày 26-5 tại khu vực trên lở khoảng 60m, sâu vào bờ từ 15 - 25m, làm thiệt hại và đe dọa 14 công trình, nhà ở, cả văn phòng khóm Bình Thới. Hậu quả làm sáu nhà dân và Nhà máy nước đá Thái Bình sụp xuống sông. Do đã được chính quyền địa phương chủ động tổ chức di dời đến Trường tiểu học Phan Chu Trinh ngày 24-5 nên không xảy ra thiệt hại về người. Ngay lập tức cơ quan chức năng phong tỏa tuyến đường để bảo vệ tài sản và an toàn tính mạng người dân. Đến ngày 29-5, một vụ sạt lở bên bờ sông Tiền (xã An Phú, huyện Phú Tân, An Giang) cuốn trôi 16 căn nhà ở ấp Phú Quới.
Tại Vĩnh Long, tình trạng cũng đã đến mức báo động. Thống kê của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh, địa phương có 18 điểm sạt lở tập trung tại khu vực cồn An Bình.
Mùa mưa bão năm nay, TP.Cần Thơ xuất hiện hàng trăm điểm có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào; trong đó, 24 điểm tập trung tại các đoạn sông. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, từ tháng 5-2012 đến nay, tại các quận, huyện: Bình Thủy, Phong Điền, Cái Răng, Thốt Nốt liên tiếp xảy ra tình trạng nứt, lở bờ sông gây thiệt hại hơn 300 triệu đồng. Nhiều nơi cặp bờ sông ở các quận Thốt Nốt, Bình Thủy và Cái Răng xảy ra tình trạng nứt đất uy hiếp hàng chục hộ dân.
Cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) được ví là Cù lao Tỷ Phú, giờ hoang vắng, đìu hiu. Cặp bờ sông, nhiều đoạn nứt, một số cây cổ thụ bật gốc. Bà Hà Thị Kim Châu (ngụ ấp Long Châu) lắc đầu ngán ngẩm khi nghe chúng tôi hỏi về tình trạng này: “Năm nào cũng sạt lở, dân quen rồi. Hồi mới chân ướt chân ráo về đây, tôi có hơn 4.000 mét vuông đất. Sạt lở riết, đến chừng giật mình kiểm tra lại chỉ còn 1.000 mét vuông”. Ngay cả cồn Cái Đôi rộng khoảng 20ha giờ chỉ còn 1ha... Hậu Giang có 7km thuộc sông Hậu còn lại các tuyến sông khác nhưng có 55 điểm sạt lở; trong đó, 15 điểm có nguy cơ cao. Tại Tiền Giang, gần 2.000 hộ sống ven kênh Chợ Gạo đang lo lắng trước tình trạng này. Một số hộ dời nhà hai, ba lần để tránh cơn thịnh nộ của “thủy thần”. Hàng ngày, nhìn dòng nước chảy xiết trên kênh, người dân chỉ mong ước đến khi họ có thể quẳng gánh lo âu, không còn phải nơm nớp lo sống trên lưng “bà thủy”.
(Còn tiếp)
Bài, ảnh: Thiện Thảo