Chợ thông tin Nông Sản Việt Nam

Trở lại   Chợ thông tin Nông Sản Việt Nam > Diễn Đàn Nông Sản > Tin Tức Nông Nghiệp
Đăng ký Hỏi đáp Danh sách thành viên Lịch Tìm Kiếm Bài gửi hôm nay Đánh dấu là đã đọc

Trả lời
 
Công cụ bài viết Kiểu hiển thị
  #1  
Cũ 28-01-2013, 01:00 PM
pvep pvep đang online
Senior Member
 
Tham gia ngày: Jun 2012
Bài gửi: 209
Mặc định Miền Tây mùa đất lở

Hệ thống quảng cáo SangNhuong.com

Khi cơn mưa đầu mùa bắt đầu nặng hạt, thủy triều ở sông Tiền, sông Hậu lên cao, người dân miền Tây lại thắc thỏm nỗi lo sạt lở. Dòng sông hiền hòa nên thơ có lúc trở nên hung dữ cuốn trôi nhà cửa, nhấn chìm tài sản, gây bao thảm họa tang tóc. Hàng chục năm nay, người dân vùng sông nước miền Tây vẫn phải trần thân chống sạt lở...


Bốn căn nhà ở chợ Hàng Vịnh bị nước cuốn trôi

Kỳ 1: Sống trên lưng “bà thủy”

Bao năm nay, người dân huyện Năm Căn, Cà Mau luôn phải sống trong cảnh phập phồng lo lở đất. Dù đã quen với cảnh “trên bến dưới thuyền” nhưng hiện nay sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhiều hộ muốn dời điểm kinh doanh nhưng không biết sống bằng nghề gì, đành chịu trận trên lưng... “bà thủy”.

Năm sau nghiêm trọng hơn năm trước

Dòng sông Cái Lớn có lúc trở nên giận dữ nuốt chửng nhà cửa và sinh mạng con người. Hễ đến mùa mưa, tai họa lại diễn ra không ai lường được.

Anh Nguyễn Văn Thanh (ngụ ấp 1, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, Cà Mau) nhớ lại, khoảng 1 giờ 20 sáng 10-5-2012 cảm thấy khó ngủ, anh vừa mở cửa bước ra ngoài đã nghe tiếng động mạnh cách nhà vài chục mét. Ngay sau đó, âm thanh lộp cộp của mái tole va vào nhau, nền đất rung chuyển, trong chớp mắt bốn căn nhà chìm xuống dòng Cái Lớn. Anh chỉ biết hô to “lở nhà... lở nhà...” và cũng đành bất lực. Tai nạn hy hữu làm năm người bị thương nặng phải chở đi cấp cứu, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Khi kể lại cho chúng tôi nghe, anh Thanh không giấu được nỗi kinh hoàng: “Nhà bị nước nhấn chìm nhanh lắm. Khoảng một phút là chẳng thấy đâu”. Dù chính quyền địa phương đã giúp đỡ, động viên bà con kịp thời nhưng các tiểu thương vẫn không giấu được nỗi lo âu thường trực. Tại điểm sạt lở vẫn còn hơn 100 hộ đang kinh doanh.

Ông Nguyễn Long Hoai - Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Cà Mau - cho biết, so với các địa phương khác, huyện Năm Căn có nhiều điểm sạt lở diễn biến hết sức phức tạp, tỷ lệ năm sau cao hơn năm trước. Điều hết sức nguy hiểm là hiện tượng này thường xảy ra vào lúc đêm khuya, khi mọi người say ngủ ở những khu tập trung đông dân cư. Tại các chợ trung tâm huyện, xã, đến hẹn lại lên, vào mùa mưa, chính quyền địa phương lại nhắc nhở bà con đề phòng tình trạng lở đất. Không như tai họa khác, sạt lở diễn ra nhanh lắm. Chỉ trong tích tắc, nhà cửa đã bị nước nhấn chìm. Vì vậy, người dân trở tay không kịp.

Ký ức kinh hoàng

Đã năm năm, ông Nguyễn Văn Bình (ngụ thị trấn Năm Căn) vẫn không thể quên nỗi ám ảnh của mình. Khi mùa mưa đến, dòng sông Cái Lớn nước chảy cuồn cuộn, lòng ông lại quặn thắt. Mỗi lần nghe địa phương thông báo điểm sạt lở, ông cứ như người mất hồn. Lớn lên và lập nghiệp ở bờ sông này, ông thuộc lòng từng khúc sông sạt lở. Những mùa nước dâng, ông thường dặn con cháu cẩn thận khi qua sông. Dòng Cái Lớn nuôi sống gia đình ông và cũng lấy của ông bốn đứa cháu ngoại. Khi cô con gái Nguyễn Ngọc Mai (SN 1977) lập gia đình, được cha giúp vốn ra riêng. Ông Bình cẩn thận chọn mảnh đất ở ấp Cái Lớn Ngoài, xã Hàng Vinh, huyện Năm Căn xây nhà để con gái mở cơ sở bán tôm giống. Những lúc nước ròng, ông lội xuống bãi nhìn lên mừng thầm vì căn nhà kiên cố không lo sạt lở.

Ngày 13-7-2007, Trại tôm giống Kim Hồng khai trương, ông Bình mừng rơi nước mắt. Chứng kiến niềm vui của con gái và mấy đứa cháu ngoại trong căn nhà mới, ông lại thấy hãnh diện khi đã hoàn thành trách nhiệm của người cha. Rạng sáng 16-7-2007, mưa đêm rả rích, không ngủ được, ông dậy pha trà uống. Bất ngờ chuông điện thoại reo, linh tính báo chuyện chẳng lành, ông chạy đến và rụng rời bỏ ống nghe. Hàng xóm của con gái ông thông báo Trại tôm giống Kim Hồng bị nước cuốn trôi. Ông Bình nghẹn ngào nhớ lại: “Khi tôi đến nơi, đã thấy mấy người hì hục dưới sông. Mai dẫn con đi vệ sinh nên nó cùng thằng Thạch thoát chết. Thằng út Nguyễn Khánh An cùng ba đứa cháu đến nhà dì mừng tân gia là Đỗ Thanh Hằng (15 tuổi), Đỗ Văn Tâm (12 tuổi) và Cao Ngọc Tý (4 tuổi) kẹt ở phòng ngủ, bị nước cuốn trôi, hôm sau mới tìm thấy xác...”.

Sống trong sạt lở, người dân đất mũi đã tìm mọi cách đối phó nhưng đành bất lực. Để tránh những tai họa khó lường, mỗi năm họ đều phải dời nhà. Anh Nguyễn Văn Nhiều (ngụ chợ Tân Tiến, huyện Đầm Dơi) cho biết, gia đình anh dành dụm được bao nhiêu chỉ đủ để cất nhà. Trong 10 năm, anh cất ba căn để chạy “bà thủy”. Tại chợ Vàm Đầm, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi, các tiểu thương luôn nơm nớp lo cảnh nhà... chạy! Bà Lý Thị Nhanh từng suýt chết bởi sự phẫn nộ của dòng nước. Hai năm trước, đang ngủ mơ màng, bà thất thần thấy căn nhà di chuyển. Liền sau đó là tiếng dây điện đứt, thanh gỗ gãy khiến bà cuống cuồng gọi chồng nhảy lên bờ. Căn nhà nhanh chóng trôi khỏi bờ rồi chìm xuống nước trong tích tắc. Hai năm liên tiếp, bà Nhanh cất hai căn nhưng cũng bị “bà thủy” nuốt chửng. Ông Phan Hoàng Sỹ, nhà kế bên, có cây xăng, dù đã dời những tài sản có giá trị lên bờ khi phát hiện vết nứt, nhưng chín ngày sau tất cả cũng chìm trong biển nước.

100 điểm nóng sạt lở

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, mùa mưa bão năm 2012 tỉnh có 100 điểm nóng xuất hiện nguy cơ sạt lở cao. Điều đáng lưu ý những điểm này tập trung tại các cửa biển: Sông Đốc, Khánh Hội, Tam Giang hoặc sông Cái Lớn thuộc hai huyện Năm Căn, Ngọc Hiển với hơn 1.200 hộ dân đang sinh sống. Một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh lo âu: “Tập quán bao đời nay của người dân thích cất nhà ven sông để thuận tiện cho việc mua bán hết sức nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng bà con. Tại thị trấn Sông Đốc có hơn 80.000 người thì 450 hộ cất nhà sàn theo kiểu nửa trên bờ, nửa dưới mặt nước. Chính quyền địa phương nhiều lần khuyến cáo nhưng ý thức người dân chưa cao”. Thống kê của tỉnh Cà Mau cho thấy, trong một năm tỉnh xảy ra 20 - 30 vụ sạt lở cuốn trôi hàng chục căn nhà, gây thiệt hại nặng về kinh tế... (Còn tiếp).

Bài, ảnh: Thiện Thảo
Trả lời với trích dẫn


CHUYÊN MỤC ĐƯỢC TÀI TRỢ BỞI
  #2  
Cũ 28-01-2013, 01:00 PM
dunglevo dunglevo đang online
Senior Member
 
Tham gia ngày: Jun 2012
Bài gửi: 183
Mặc định

Hệ thống quảng cáo SangNhuong.com

* Cũng như người dân Cà Mau, các hộ sống ven sông Tiền, sông Hậu vẫn thường xuyên đối mặt với sạt lở

Nhiều năm liền hàng chục ngàn hécta đất ở ĐBSCL bị cuốn trôi

Thắc thỏm từng con nước

Thông tin về mực nước lũ ở sông Tiền tăng với cường suất khá mạnh làm chính quyền các huyện đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp ăn ngủ không yên, bởi hơn 1.500 hộ dân có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Ông Nguyễn Văn Lịch - Phó chủ tịch UBND xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự - cho biết, trên địa bàn xã có vùng sạt lở nguy cấp kéo dài 6km, ảnh hưởng đến 500 hộ dân. Theo quy định, những hộ trong vành đai sạt lở cách bờ sông khoảng 30m phải di dời, nhưng hiện nay có hơn 50 hộ sống cách bờ từ 5 - 15m, việc bố trí di dời lập khu tái định cư ngoài khả năng của chính quyền địa phương. Tại xã Long Thuận có đến 400 hộ bị “thủy thần” truy đuổi ráo riết. Anh Trần Văn Tuấn đang loay hoay sửa nhà. Quay mặt ra bờ sông, anh chua xót: “Ba năm trước nhà tôi cách bờ gần trăm mét, thế mà nay đã sát rồi. Gia đình cũng định tìm chỗ mới nhưng biết đi đâu. Cả ngày lẫn đêm, vợ chồng tôi cứ thấp thỏm lo sợ bị nước nhấn chìm”. Đến nhà anh Đặng Văn Lần (ấp Long Thạnh, xã Long Thuận) lại gặp cảnh ảm đạm hơn. Mùa mưa lũ năm 2011, nhà anh bị nước cuốn trôi, được người dân địa phương giúp đỡ cất căn nhà phía sau để che mưa nắng cho vợ và hai đứa con. Vậy mà hiện nay sạt lở đã đuổi đến gần. Anh thú thật: “Lần này tôi chẳng biết sẽ đi đâu”.

Hiện tỉnh Đồng Tháp có hơn 100 điểm nóng sạt lở ở 17 xã, phường, thị trấn với chiều dài gần 17km. Trước tình trạng trên, ngày 16-8, UBND tỉnh quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp về sự cố sạt lở trên tuyến sông Tiền tại các xã Tân Bình, Tân Quới (huyện Thanh Bình), xã Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò), khu vực Vàm Cái Đôi (xã An Hiệp, huyện Châu Thành) và phường 4 thị xã Sa Đéc, tổng chiều dài 6km. Đến ngày 21-8, sạt lở đất bờ sông tại xã An Hiệp (huyện Châu Thành, Đồng Tháp) làm 3,4ha đất, nhiều diện tích cây trồng và bốn ao cá tra bột của người dân trôi theo nước, thiệt hại 2,6 tỷ đồng.

“Hà bá” nuốt hàng ngàn mét vuông đất

An Giang cũng cùng nỗi lo với Đồng Tháp. Theo Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh này, hàng năm tỉnh mất trên 3,7 triệu mét khối đất, thiệt hại hơn 16 tỷ đồng. Theo khảo sát mới nhất của cơ quan chức năng, hiện tỉnh có 53 vị trí sạt lở dọc sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao. Xã Vĩnh Hòa, huyện Tân Châu bị sạt lở 40ha. Sáng 27-5, một đoạn bờ sông Hậu (thuộc tổ 3, khóm Bình Thới 1, phường Bình Khánh, TP.Long Xuyên) tiếp tục sạt lở lan rộng và ăn sâu vào đất liền, làm 12 hộ dân phải di tản. Trước đó, lúc 5 giờ 30 ngày 26-5 tại khu vực trên lở khoảng 60m, sâu vào bờ từ 15 - 25m, làm thiệt hại và đe dọa 14 công trình, nhà ở, cả văn phòng khóm Bình Thới. Hậu quả làm sáu nhà dân và Nhà máy nước đá Thái Bình sụp xuống sông. Do đã được chính quyền địa phương chủ động tổ chức di dời đến Trường tiểu học Phan Chu Trinh ngày 24-5 nên không xảy ra thiệt hại về người. Ngay lập tức cơ quan chức năng phong tỏa tuyến đường để bảo vệ tài sản và an toàn tính mạng người dân. Đến ngày 29-5, một vụ sạt lở bên bờ sông Tiền (xã An Phú, huyện Phú Tân, An Giang) cuốn trôi 16 căn nhà ở ấp Phú Quới.

Tại Vĩnh Long, tình trạng cũng đã đến mức báo động. Thống kê của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh, địa phương có 18 điểm sạt lở tập trung tại khu vực cồn An Bình.

Mùa mưa bão năm nay, TP.Cần Thơ xuất hiện hàng trăm điểm có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào; trong đó, 24 điểm tập trung tại các đoạn sông. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, từ tháng 5-2012 đến nay, tại các quận, huyện: Bình Thủy, Phong Điền, Cái Răng, Thốt Nốt liên tiếp xảy ra tình trạng nứt, lở bờ sông gây thiệt hại hơn 300 triệu đồng. Nhiều nơi cặp bờ sông ở các quận Thốt Nốt, Bình Thủy và Cái Răng xảy ra tình trạng nứt đất uy hiếp hàng chục hộ dân.

Cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) được ví là Cù lao Tỷ Phú, giờ hoang vắng, đìu hiu. Cặp bờ sông, nhiều đoạn nứt, một số cây cổ thụ bật gốc. Bà Hà Thị Kim Châu (ngụ ấp Long Châu) lắc đầu ngán ngẩm khi nghe chúng tôi hỏi về tình trạng này: “Năm nào cũng sạt lở, dân quen rồi. Hồi mới chân ướt chân ráo về đây, tôi có hơn 4.000 mét vuông đất. Sạt lở riết, đến chừng giật mình kiểm tra lại chỉ còn 1.000 mét vuông”. Ngay cả cồn Cái Đôi rộng khoảng 20ha giờ chỉ còn 1ha... Hậu Giang có 7km thuộc sông Hậu còn lại các tuyến sông khác nhưng có 55 điểm sạt lở; trong đó, 15 điểm có nguy cơ cao. Tại Tiền Giang, gần 2.000 hộ sống ven kênh Chợ Gạo đang lo lắng trước tình trạng này. Một số hộ dời nhà hai, ba lần để tránh cơn thịnh nộ của “thủy thần”. Hàng ngày, nhìn dòng nước chảy xiết trên kênh, người dân chỉ mong ước đến khi họ có thể quẳng gánh lo âu, không còn phải nơm nớp lo sống trên lưng “bà thủy”.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: Thiện Thảo
Trả lời với trích dẫn


  #3  
Cũ 28-01-2013, 01:00 PM
nghiathanhwood nghiathanhwood đang online
Senior Member
 
Tham gia ngày: Jun 2012
Bài gửi: 177
Mặc định


Sạt lở lấn sâu vào đất liền tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long

*Theo khảo sát của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên - Môi trường, từ năm 1975 đến nay, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sạt lở gần 2.000ha
 
Giải pháp tình thế

Hầu hết các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long đều biết tác hại nghiêm trọng của việc sạt lở nhưng để khắc phục thì ngoài khả năng. Ngay từ đầu mùa mưa, tỉnh Cà Mau, triển khai hàng loạt biện pháp di dời khoảng 300 hộ sống ở những điểm có nguy cơ sạt lở cao, cấp áo phao cho người dân ven biển..., nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế. Chính quyền một số nơi khuyến cáo người dân sống ven bờ áp dụng biện pháp trồng cây chắn sóng, tháo vật cản để lưu thông dòng chảy...; đồng thời áp dụng một số biện pháp lâu dài như xây khu tái định cư cho người dân không có quỹ đất, không vốn. Anh Huỳnh Thanh Phú - Trưởng phòng kinh tế hạ tầng huyện Hồng Ngự - thống kê, huyện có 1.500 hộ cần phải di dời và đã trình bày dự án khu tái định cư 20ha ở xã Long Khánh A, tuyến dân cư 17... nhưng chưa được tỉnh phê duyệt vì thiếu vốn.
Cần Thơ có đồ án quy hoạch phòng chống sạt lở các sông rạch trên địa bàn. Theo đó, thành phố này đang có kế hoạch xây dựng 24 công trình bờ kè chống sạt lở trên sông, kênh, rạch với kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng. Đến năm 2015, dự kiến sẽ có 40% hộ dân sống ven sông rạch vào các khu đô thị mới, phấn đấu đến năm 2050 không còn nhà ven sông. Thế nhưng hiện nay, một số bờ kè vẫn chưa thực hiện do địa phương đang kêu gọi đầu tư. Trước mắt, tổ chức di dời những người dân trong vùng sạt lở ra khỏi nơi nguy hiểm. Tương tự, gần 2.000 hộ ven kênh Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang ngủ không yên giấc khi dự án bảo vệ đời sống người dân vẫn nằm trên giấy. Từ tháng 10-2009, Bộ Giao thông - Vận tải đã phê duyệt dự án nâng cấp tuyến kênh này để chống sạt lở, giúp người dân ổn định cuộc sống, do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam làm chủ đầu tư với số vốn 4.000 tỷ đồng. Nhưng đã ba năm, tất cả vẫn còn nằm trên giấy với lý do quen thuộc: không vốn.

Vẫn diễn biến phức tạp


Tuyến đê biển tây nam cũng sạt lở đến mức báo động


Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, tình trạng sạt lở ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức báo động. Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường - Tổng cục Môi trường nhận định, nguyên nhân chủ yếu do nền đất yếu. Thời gian tới, do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết, đất, nước ở đồng bằng sông Cửu Long thay đổi theo chiều hướng bất lợi. Các nhà khoa học cảnh báo, nhu cầu phát triển kinh tế với một số hoạt động khai thác tài nguyên như: chặt phá cây rừng, khai thác cát quá mức trên sông Hậu... làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở nghiêm trọng. Bên cạnh đó, một số công trình xây dựng cặp bờ sông cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đánh giá, bờ sông, rạch sạt lở là do mùa mưa lũ lưu lượng nước nhiều, dòng chảy mạnh tạo nên những hàm ếch xói sâu vào trong.

Một số nhà khoa học đưa ra giải pháp lâu dài như thiết lập quy hoạch chỉnh trị hệ thống sông ở đồng bằng sông Cửu Long (chống xói lở, gây bồi, bảo vệ bờ sông...) và các kênh rạch. Nghiên cứu ứng dụng các công trình chủ động điều chỉnh phân lưu lượng hợp lý ở các đoạn sông để giảm thiểu sạt lở, đề xuất giải pháp hợp lý chống sạt lở các kênh rạch giao thông chính trong vùng. Tuy nhiên, để thực hiện cần số tiền tương đối lớn. Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh An Giang kiến nghị UBND tỉnh phê duyệt dự án chỉnh trị dòng chảy tuyến sông Hậu để giữ 4,3km khu vực TP.Long Xuyên với hơn 2.400 tỷ đồng. Như vậy, nếu triển khai ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ lên đến hàng triệu đô la. Vì vậy mà cho đến nay, các biện pháp phòng chống sạt lở ở khu vực này vẫn mang giải pháp tình thế. Cứ đến mùa mưa lũ, người dân lại nơm nớp lo khi dòng nước chảy xiết cuốn trôi bao tài sản và sinh mạng con người. Trong khi đó, biện pháp căn cơ vẫn là ẩn số chưa có lời giải do “thiếu vốn và không còn quỹ đất”.

Bài, ảnh: Thiện Thảo
Trả lời với trích dẫn


CHUYÊN MỤC ĐƯỢC TÀI TRỢ BỞI
Trả lời


Công cụ bài viết
Kiểu hiển thị

Quyền viết bài
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

vB code is Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Mở
Chuyển đến

SangNhuong.com


Múi giờ GMT +7. Hiện tại là 07:27 PM


Diễn đàn được xây dựng bởi SangNhuong.com

© 2008 - 2025 Nhóm phát triển website và thành viên SANGNHUONG.COM.
BQT không chịu bất cứ trách nhiệm nào từ nội dung bài viết của thành viên.